Lifestyle

Hai đêm ven rừng Tasmania

Hồi nhỏ, mình được ông ngoại kể chuyện rằng, ông đã từng sống trong rừng, nhà của ông rất rộng, hàng ngày muông thú, chim chóc vào nhà chơi với ông. Ông thường đi trong rừng, gặp nhiều loại cây cỏ kỳ lạ, hoang thú, thậm chí cả thú dữ. Mình còn nhớ, ông bảo cứt của hồ rất thối vì chúng ăn thịt; còn da của voi rất dày, dày đến nỗi muỗi cũng không đốt được. Lớn lên, ông đã mất, mình vẫn tưởng những chuyện như thế là sự thật cho đến khi bà ngoại bảo ”ông mày phịa ra đấy, làm gì có chuyện ông ở trong rừng”. Mặc dù vậy, chuyện của ông vẫn bị ăn sâu vào tâm trí mình, mình vẫn ao ước giá mà một lần được ngủ trong thiên nhiên hoang dã thì thú vị biết bao.

Cách đây mấy năm, nhà mình và nhà một người bạn đi chơi Anna Bay, một vùng vịnh phía Bắc tiểu bang NSW. Hai nhà mang theo hai cái lều của ALDI và cắm trại qua đêm trên bãi biển. Lều có năm chục bạc mà tốt thật, đêm hôm đó mưa to gió lớn mà cả lũ trẻ con người lớn ngủ say như chết. Sáng hôm sau, nhìn ra mới thấy mép nước do thủy triều lên chỉ còn cách lều độ 2 mét. Mấy lần mình rủ cả nhà đi ngủ bụi thêm trận nữa nhưng hai cháu nhà mình không chịu nên thôi. Ngủ ngoài biển tạm coi đã xong, mình vẫn ấp ủ sẽ phải có lúc ngủ trong rừng nữa mới thỏa.

Trong chuyến Nam tiến về một hòn đảo nhỏ, đảo Tasmania, mình và mấy người bạn chán thành phố đã thuê một cái cottage (nhà tranh) cách thị xã Hobart chừng mười cây số. Không xa thành thị lắm, nhưng khung cảnh hoang vu lạ thường, điện thoại mất sóng làm mọi người có cảm giác bị đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Ngôi nhà quá rộng, dường như không có ranh giới giữa nhà với rừng và những những nhà “hàng xóm” xa xôi khác. Trong nhà thơm lừng mùi gỗ vì nhà được làm hoàn toàn làm bằng gỗ, dù là sàn, mái hay các vách tường. Khi màn đêm bắt đều buông xuống đã phải dùng lò sưởi vì cách nhiệt không được tốt, mặc dù đã sang Xuân. Giống như nhà sàn ở Việt Nam, tầng dưới cùng bỏ không để tránh thú dữ. Nhưng ở đây làm gì có những loại ấy, chỉ là những chú chuột túi wallabies to hơn con mèo một chút. Khi đưa bọn mình tới nơi, chủ nhà đã kể chuyện là kangaroo thường thăm viếng vào lúc chập choạng tối hoặc sáng sớm. Bọn mình cũng không phải chờ lâu, một đàn Wallabi chừng 5-6 con thản nhiên vào sân vườn nhà người ta. Chúng có vẻ ngơ ngác khi thấy những người lạ đang giương các loại máy ảnh về phía chúng.

Buổi tối hôm đó, sau khi ăn uống và mọi người đã đi nghỉ, mình tranh thủ đi dạo một mình, thực ra cũng chỉ là loanh quanh vì không có đèn điện và cây cối quá um tùm nên không đi xa được. Tuy vậy mình cũng phát hiện ra mấy loài hoa rừng mà người chủ nhà đã bầy biện trong phòng khách. Mình hy vọng sẽ bắt gặp con vật gì đó nhưng không hề, đến cả muỗi cũng không thấy ? Khung cảnh quá sức tĩnh mịch, có lẽ các chú chuột túi và các loài vật khác nếu có đã đi ngủ hết.

Sáng hôm sau, mình lại ra sau nhà ngồi thiền 15 phút. Mình đã cố tăng thời gian thiền nhưng không được, thôi đành an ủi, không cần chạy theo số lượng, nếu có chất lượng thì cũng tốt, nhất là trong một môi trường trong lành thế này. Người ta bảo đảo Tasmania làm một trong những nơi không khí tinh khiết nhất thế giới, thậm chí đã có dịch vụ đóng gói không khí để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thiền là một cách luyện tập buông bỏ, là một cách hấp thụ năng lượng từ thiên nhiên, rất có lợi cho sức khỏe tâm thần. Có lần mình khuyên một người bạn nên tập dưỡng sinh thì anh bảo anh không thể tĩnh tâm được, vì lúc nào cũng đứng ngồi không yên, lo lắng đủ thứ việc. Ở đây là vấn đề con gà có trước hay quả trứng có trước. Tập Thiền rồi mới có thể tĩnh, chứ không thể chờ tĩnh để bắt đầu tập. Mình luyện tập chưa lâu, trình còn thấp nhưng đã thấy chuyển biến nhiều trong người. Ít nhất là không cảm thấy hay nóng giận, hấp tấp như trước và do đó lạc quan yêu đời hơn. Buổi thiền ngoài thanh thiên giữa rừng Tasmania, không phải rừng thẳm mà chỉ là ven rừng, có lẽ là một trong những buổi tập thành công nhất, mang lại nhiều khoan khoái nhất. Sự thành công này lại một lần nữa được tái lập vào sáng hôm sau.

Tối thứ hai cũng là tối cuối cùng, tụi mình nướng BBQ trên “nhà sàn” nhưng chỉ có một chút thịt bò và heo mà khá nhiều chất xơ như nấm, khoai, bánh mỳ và các loại rau. Các loại đồ ăn của Tasmania tươi ngon, hữu cơ và vật giá không đắt đỏ như Sydney. Một ngôi nhà tranh, đúng ra là nhà gỗ như thế này có thể coi là rẻ so với mặt bằng giá cả hiện nay. Trong khung cảnh thần tiên, mình cố hít thở không khí thật nhiều, thật sâu. Tận hưởng là ý nghĩ cứ đeo đẳng trong thời gian ngắn ngủi ở hòn đảo nhỏ bởi mình chưa thể biết chưa đến khi nào mới có cơ hội để trở thành Robinson một lần nữa.

Phil Dang

Please follow and like us:

Nước Úc – Bốn mùa Lễ hội

Nước Úc đang ở vào những ngày đầu Xuân, lúc cây cối đâm chồi nẩy lộc, muôn hoa khoe sắc, không quá trau chuốt nhưng đầy sức sống khỏe khoắn, hoang dại.

Người Hồi giáo cũng có 2 dịp Lễ hội lớn liên quan đến tôn giáo trong năm, đó là Eid Adha (First Eid) và Eid Fitr (Second Eid), hai dịp lễ hội này cách nhau 2 tháng 10 ngày (Eid nghĩa là Lễ hội, theo tiếng Ả Rập). Second Eid chính là mùa hành hương (Hajj season), dịp người Hồi giáo khắp nơi về thăm thánh đường Mecka và Madina. Cả đời người Hồi giáo bắt buộc phải có ít nhất 1 lần hành hương thì mới được coi là đắc đạo.

Người theo đạo Hồi ở Úc không nhiều, đa phần vẫn là Thiên chúa giáo. Thật ra Úc không chỉ có 2 mùa Lễ hội mà có đến 4 mùa nghỉ lễ rơi vào 4 kỳ nghỉ của học sinh phổ thông, trong đó kỳ nghỉ hè là dài nhất, 6 tuần; ba kỳ nghỉ kia, mỗi kỳ chỉ có 2 tuần. Ai đi nghỉ vào dịp này thì biết ngay, giá vé máy bay, khách sạn đều cao hơn hẳn, nhưng cũng không thể tránh được vì không lẽ lại bắt con cái nghỉ học đi chơi.

Nhớ lại dịp Christmas 1998, đó là kỳ Christmas thứ 5 của mình tại Úc, mới là năm đầu tiên mình đi ra đường giải ngố vào dịp này. Thật kỳ lạ, Noel gì mà phố xá vắng tanh, vắng hơn cả ngày thường rất nhiều. Sau mới biết, người Úc ít lêu têu ngoài đường vào đêm Noel, họ thường đi vào Nhà thờ, hoặc vào các câu lạc bộ (club), hoặc nhỏ hơn là các quán rượu (pub). Quán rượu thì hầu như điểm dân cư nào (suburb) cũng có, nhưng câu lạc bộ thì chỉ mở ở những vùng ngoại ô lớn và khu trung tâm thành phố. Câu lạc bộ thường rộng rãi, chia nhiều khu như đánh bạc riêng, nơi ẩm thực, cafe, vui nhộn nhất là khu vực sân khấu và sàn nhảy. Giờ đóng cửa của các Câu lạc bộ được quy định tùy theo tiểu bang, đối với NSW là 3 giờ sáng. Vào club có thể gây nghiện vì có quá nhiều trò vui, hấp dẫn, một điều kỳ lạ là giới trung niên và già còn đông hơn thanh niên.

Tháng Giêng bao giờ cũng là tháng ăn chơi, thời gian có nhiều lễ lạc nhất. Trong tháng Sydney Festival, có hàng trăm điểm vui chơi mới lạ, hấp dẫn. Thời tiết mùa hè rất phù hợp với các hoạt động ngoài trời vào buổi tối, khi đèn trang trí trang hoàng khắp nơi, vui mắt, sinh động; đặc biệt là các chương trình hòa nhạc quyến rũ và miễn phí ngoài đường phố.

Lễ hội Easter không cố định ngày trong năm như Christmas, mặc dù theo dương lịch (mặt trời), nhưng thường rơi vào kỳ nghỉ Thu tháng Tư của học sinh. Easter show đã trở thành một thương hiệu, một địa điểm vui chơi lớn tại Sydney, được tổ chức tại khu vực sân vận động Olympic. Ai mua vé show sẽ được đi xe lửa, xe bus riêng miễn phí rất tiện lợi vì nếu đi xe cá nhân sẽ rất khó tìm chỗ đậu xe.

Vào mùa thu, mùa lá vàng và lá rụng trải đầy trên mặt cỏ, mặt đất khắp mọi nơi, tạo nên những khung cảnh hết sức thơ mộng. Thời tiết đã trở nên lạnh lẽo, cho phép những nam thanh nữ tú trưng diện những bộ đồ thời trang lộng lẫy và trang nhã nhất. Một số lễ hội ở các vùng đồng quê được tổ chức vào dịp này, thu hút đông đảo những du khách từ các đo thị lớn và cả khách thập phương.

Kỳ nghỉ đông tháng 7 là dịp đi trượt tuyết. Ở Úc, phải đi vào những vùng núi cao mới có tuyết. Mà đường vùng núi thì bình thường đi đã khó, mùa tuyết phủ lại càng khó đi hơn. Đểđảm bảo an toàn, người ta phải lắp thêm những sợi dây xích vào các bánh xe.

Điều khác biệt với các xứ sở châu Âu, lạnh lẽo đi kèm với ảm đạm còn mùa đông của Úc, trời vẫn có nhiều ánh nắng. Vì Úc ở Nam bán cầu, mùa đông Úc trùng với mùa nghỉ hè ở các nước nên đây cũng là một dịp mà nước Úc được đón các du khách từ phương xa. Đặc biệt, các trường học ở Úc đã tổ chức các khóa học hè cho các em học sinh quốc tế vào dịp này. Các khóa học kéo dài từ 2 đến 4 tuần, các em được đi thăm quan các cảnh đẹp nước Úc, được giao lưu kết bạn và cũng là dịp thực hành và trau dồi tiếng Anh.

Mùa Xuân của Úc bắt đầu từ tháng 9, hội hoa được tổ chức ở khắp mọi nơi. Ở Leura, quý khách sẽ được thăm quan 11 vườn hoa, mỗi khu vườn một vẻ, muôn sắc, độc đáo và nên thơ. Mình ấn tượng với một vườn Tuylip Top Garden, ngoại vi Canbera, hoa tuylip trải rộng, dọc theo các sườn đồi. Khách thăm quan không đông, đủ tĩnh lặng để mọi người đi ngắm hoa thưởng thức tiếng nhạc cổ điển phát ra từ những chiếc loa giăng dọc theo những lối đi.

Nước Úc có khí hậu ôn hòa, quanh năm không nóng quá hay lạnh quá, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Sydney hay Melbourne. Nhưng vào mùa Xuân, khi những ngày lạnh lẽo nhất trong năm đã qua, người dân đổ ra đường nhiều nhất vào dịp này. Mình đến với nước Úc lần đầu tiên vào thời gian mùa Xuân. Cây cỏ của Úc cũng khác thật, mấy đứa du học tụi mình trầm trồ ngắm một cái cây, sao mà óng ả, xanh mướt. Úc có nhiều mưa, lá cây được gột rửa thường xuyên; bầu trời Úc trong vắt, không bụi bặm, giúp cho cây sạch tinh tươm.

Dịp mùa Xuân, dãy phố The Nine Ave ở Campsie chỉ có hai màu, đó là màu tím của hoa phượng Jacaranda và màu đỏ tươi của những mái ngói.

Vua Hàm Phong nước Tàu có một tâm sự thế này: mặc dù trong cung cấm có muôn loài hoa kiều diễm, hoàng hậu, ái phi, cung nữ nhưng Vua không thích hoa cắm sẵn trong bình, lọ mà chỉ thích hoa ngoài thiên nhiên, nới Vua có thể tự tay hái, ngắt. Hàm Phong cải trang đi sâu vào trong dân dã, nói nôm na là đi tán gái. Có lần, bị bố của một cô gái bắt được, mang gậy ra nện, làm tên hầu cận đi cùng phải cuống quít van xin.

Có lẽ chỉ có Úc mới có nhiều hoa trong thiên nhiên đến như vậy. Hoa vào mùa Xuân ở Úc nở khắp mọi nơi, sông suối, hồ ao, công viên, bến tàu xe, dọc vỉa hè…

Nếu mình sống được 50 năm nữa, mình sẽ dành thật nhiều thời gian cho cây cỏ, hoa lá. Mình sẽ làm bạn với chiếc gậy, đi bộ khắp nơi.

Phil Dang

Please follow and like us:

Hãy làm dự án nông trại bò và sữa bò

Lục địa Úc vốn không có bò, do đó tổ tiên của loài bò Úc được di cư từ các chuyến tàu đi định cư đầu tiên. Trải qua gần 230 năm, đến nay đàn trâu bò Úc đã lên đến 27 triệu con, phân bố theo thứ tự từ nhiều đến ít là các tiểu bang QLD, NSW, VIC, WA, NA, SA và TAS.

So với các nước chăn nuôi bò hàng đầu của thế giới thì đàn trâu bò Úc còn mỏng hơn nhiều so với Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc và Mỹ. Mặc dù vậy, Úc lại là nước xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới và nổi tiếng với phẩm chất thơm ngon. Trị giá ngành trâu bò Úc lên đến 14.3 tỉ Úc kim, chiếm ¼ tổng trị giá ngành chăn nuôi nói chung. Về xuất khẩu, ngành trâu bò mang về cho nước Úc 10 tỉ Úc kim/năm với các thị trường chính là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc. Riêng bò sống xuất khẩu đạt trị giá 1.5 tỉ Úc kim thì dồn chủ yếu cho thị trường Indonesia (46%) và Việt Nam (23.5%). Thỉnh thoảng lại có tin, các tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng tố cáo một số lò mổ của Indonesia và Việt Nam đã giết mổ không đúng tiêu chuẩn, gây đau đớn cho con vật trước khi chết. Tuy nhiên, giết mổ tại Úc chi phí quá cao, do vậy cách tốt nhất là những nước có chi phí nhân công thấp như Indonesia hay Việt Nam nên nhập khẩu bò sống thì có lợi hơn về mặt kinh tế.

Bê bò quả là phức tạp bởi có đến hàng chục từ để chỉ thịt bò, mỗi bộ phận, vùng miền trên cơ thể đều có từ ngữ riêng để diễn tả! Mỗi bộ phận như vậy đều có cách chế biến và cách ăn cũng khác nhau và có lẽ kể cả những người sành điệu nhất về thịt bò cũng không biết hết. Riêng món bít tết (steak) cũng chia làm 5 hạng từ tái nhất cho đến chín nhất, với nhiều loại thịt khác nhau và nhiều loại nước sốt khác nhau.

Nuôi bò ở Úc khá dễ dàng vì bò chỉ có ăn cỏ, mà cỏ thì lại có sẵn trên các thảo nguyên mênh mông của lục địa Úc châu. Theo “rule of thumb” (quy tắc ngón tay cái), mỗi con bò cần khoảng 1.8ha thì đủ cỏ để ăn cho cả năm. Một chị chủ người Việt kể, trang trại bò của chị cách Sydney khoảng 500 km, cả đàn chỉ có 300 con nên tạm coi là nuôi “làm cảnh” chứ phải nuôi cỡ 1.000 con trở lên thì mới gọi là làm ăn thực sự và có tính thương nghiệp. Với số bò như vậy, chị chỉ thuê một anh chăn bò và anh sống một mình vui buồn với đàn bò trong trang trại.
18b

Người Việt ở Sydney hẳn đều biết đến “huyền thoại” Phở An. Nghe đồn chủ nhân của nó đã là triệu phú chục triệu đô, hoặc hơn nhờ vào bán phở và chỉ bán một món duy nhất là phở bò. Phở bò thương hiệu “An” có loại thịt hảo hạng, thơm mềm và đặc biệt nước dùng ngọt đậm do có nhiều xương. Xem người ta làm ăn, hóa ra kiếm tiền ở xứ Úc có vẻ dễ như bỡn?

Trước đây, thịt bò là món ăn dành cho giới nhà giàu ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài chợ thường bán thịt trâu, thẫm màu và dai ngoắt do hết tuổi đi cày chứ thịt bò thật thì khá hiếm và đắt đỏ. Bố mẹ mình đều sinh trưởng trong các gia đình khá giả, tạm coi thuộc “giai cấp thịt bò” nên khá hợp nhau về sở thích ăn thịt bò, và bố làm bít tết còn ngon hơn mẹ. Bản thân mình cũng coi thịt bò là món khoái khẩu quen thuộc, thế nào lại được sinh sống ở đất nước thịt bò, đúng là “địa lợi, nhân hòa”.

Hồi mới qua Úc, mình khá ngạc nhiên khi thấy một số nhà hàng đã để bình sữa tươi miễn phí cho khách y như nước lọc. Rõ ràng sữa tươi ở Úc quá nhiều và rẻ. Từ lúc lọt lòng, mình là trường hợp khác thường vì được dùng sữa bò thường xuyên chứ không như những đứa trẻ cùng trang lứa thời đó, sữa bò là một thứ xa xỉ.

Các nghiên cứu cho rằng, sữa bò hết sức bổ dưỡng, chẳng thế mà mấy năm gần đây, thị trường sữa bột đã lên cơn sốt, nhiều siêu thị phải hạn chế số lượng, bằng không thì “bọn Tàu” vét sạch. Từ vấn đề này nẩy sinh là một chuyện làm ăn xuất phát từ nhu cầu thị trường cực lớn. Khả năng của Úc lại dồi dào từ nguồn nguyên liệu, công nghệ sản xuất sữa bột của Úc được kiểm soát tốt. Vấn đề ở đây là các nhà đầu tư mạnh dạn xây dựng một thương hiệu, thủ tục đăng ký cũng khá dễ dàng, cân đối được đầu vào đầu ra là sẽ có một doanh nghiệp vững mạnh. Tập đoàn TH của Việt Nam đã mua những nông trại bò khổng lồ ở Bắc Úc, trị giá hàng trăm triệu USD.

Bên cạnh đó, làm nông trại bò cũng là một hình thức làm ăn có triển vọng. Đất đai của Úc vẫn còn rẻ, trồng cỏ không khó, phương tiện kỹ thuật cũng dễ dàng, nhân lực chăn nuôi ít, chỉ cần người đầu tư. Nguồn thu của nông trại bò không chỉ là bán thịt hay bán sữa mà còn có thể có qua tổ chức các đoàn khách du lịch đến thăm quan. Người châu Á còn tin rằng ngẩu pín (“chim” bò) rất tốt cho việc thể hiện bản lĩnh đàn ông, vậy các nông trại có thể đáp ứng cho khách bằng cách giết mổ và bán các bộ phận tại chỗ.

Phil Dang

Please follow and like us: