Blog

Tham khảo các mẫu thư mời liên quan về di trú

Bất cứ ai từng sống xa nhà đều hiểu được rằng những giây phút đoàn tụ với gia đình thật quý giá biết bao. Và ngược lại, người ở nhà cũng mong chờ từng phút giây để có thể gặp lại người thân đang bươn chải học tập hay làm việc nơi xứ người sau khoảng thời gian xa cách nhớ mong. Chỉ chừng vài năm trở về trước, cơ hội đoàn tụ với người thân ở Việt Nam thật không dễ dàng đối với những ai sống ở Úc. Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác ngóng trông đến dịp Tết cuối năm và cũng là dịp nghỉ hè hiếm hoi, chỉ để có thể bay về gặp lại cha mẹ, được quây quần xum vầy cùng người thân gia đình, ngồi bên nhau kể lại những chuyện vui buồn của cả năm dài đằng đẵng. Và tôi cũng nhớ rất rõ cảm giác tê tái đứng ở phi trường, nhìn bóng cha mẹ đưa tiễn khuất sau hàng người dày đặc ở hàng rào sân bay, lòng buồn rười rượi lê bước lên máy bay và biết rằng phải lại một năm nữa mới được gặp lại nhau. Đó là chuyện của nhiều năm trước. Hiện nay với hàng loạt chính sách đổi mới tích cực, những người đang sống, học tập, và làm việc ở Úc được tạo điều kiện tối đa để có thể gặp gỡ người thân ngay tại Úc dễ dàng hơn trước. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải làm thủ tục giấy tờ khá nhiều bước, và một trong những bước đó là phải viết một lá thư mời theo quy định của chính phủ Úc. Chuyện nghe thật đơn giản, nhưng bản thân tôi đã cũng đã từng rất lúng túng khi cố gắng rị mọ để viết một lá thư mời hoàn chỉnh bằng vốn tiếng Anh của mình. Phải nói rằng ngôn ngữ cũng có thể là một trở ngại khi cần viết một văn bản hàn lâm đúng nghĩa, nó khác xa so với viết thư tình gửi người em gái hàng xóm hay viết thư gửi thằng bạn nối khố ở tuốt bên kia đại dương! Và vì lẽ đó, nhóm Hội Nhập đã thu thập một số mẫu thư tín với chủ đề Thư mời đi du lịch Úc hay thăm thân nhân để quý bạn rộng đường tham khảo!

Chúng tôi xin đính kèm một số mẫu thư theo đường liên kết dưới đây, quý vị có thể tham khảo, chép về và sửa đổi theo từng trường hợp riêng của mình. Mong rằng chúng tôi có thể góp phần nhỏ nhoi để giúp quý bạn nhanh chóng đoàn tụ với gia đình một cách nhanh chóng và suôn sẻ nhất!

Xem các mẫu thư.

Trẻ có được quốc tịch Úc khi cha mẹ là người nước ngoài?

1. Cha hoặc mẹ có quốc tịch Úc, hoặc là thường trú nhân (PR) ở Úc

Căn cứ theo Luật Quốc Tịch Úc hiện hành, chỉ cần cha/mẹ có quốc tịch, hoặc là thường trú nhân (PR) tại thời điểm trẻ được sinh ra tại Úc, thì trẻ sẽ có quốc tịch Úc.

  • Cha/mẹ có quốc tịch Úc thì trẻ sinh ra tự động trở thành công dân Úc.
  • Cha/mẹ là thường trú nhân (PR), trẻ sinh ra vẫn có quốc tịch Úc. Nhưng phải điền form 119 xin quốc tịch cho trẻ, trước khi làm passport cho trẻ.

Cha/mẹ phải đính kèm toàn bộ thông tin chứng thực mình có quốc tịch hoặc là thường trú nhân (PR) tại Úc.

Tuy nhiên, vì luật di trú đang siết chặt, nên có khả năng người cha sẽ được yêu cầu phải kiểm tra ADN để chứng thực mối liên hệ huyết thống với đứa trẻ, trong trường hợp người cha có quốc tịch Úc và người mẹ chưa phải là công dân Úc.

2. Cha mẹ ly thân

Khi một người có thị thực tạm thời có con với một công dân Úc và cha mẹ sau đó ly thân, đứa trẻ sẽ có quốc tịch nhưng cha / mẹ là nước ngoài sẽ không tự động có quyền ở lại Úc. Họ sẽ phải xin visa thường trú và có thể không thành công.

3. Cha và mẹ đang giữ visa tạm trú

Trong trường hợp này, đứa trẻ khi được sinh ra tại Úc KHÔNG tự động trở thành công dân Úc ngay, mà phải theo diện visa của cha mẹ (có thể là visa lao động tay nghề, hoặc visa sinh viên…). Khi cha mẹ chuyển đổi sang một loại visa khác, trẻ cũng sẽ được tự động chuyển đổi theo. Thường trường hợp này sẽ không tốn chi phí hoặc tốn rất ít chi phí cho việc chuyển đổi này của trẻ, vì trẻ được tính là người phụ thuộc của cha mẹ.

Nếu đứa trẻ thường trú tại Úc trong suốt thời gian 10 năm bắt đầu vào ngày sinh của trẻ thì trẻ sẽ trở thành công dân Úc vào sinh nhật lần thứ 10. Điều này không phụ thuộc vào việc di chuyển của cha mẹ và đứa trẻ cũng không cần phải ở Úc vào sinh nhật lần thứ 10 của trẻ.

Nơi thường trú (Ordinarily resident)

Đứa trẻ phải thường trú tại Úc trong 10 năm đầu tiên để đủ điều kiện nhập quốc tịch Úc. Đứa trẻ có thể tạm thời vắng mặt ở Úc, nhưng Úc phải nơi đứa trẻ ở thường xuyên. Bộ Di trú và Bảo vệ Biên giới sẽ xem xét:

  • Thời gian cư trú thực tế tại Úc
  • Nếu đứa trẻ coi Úc là nhà
  • Lý do về thời gian vắng mặt ở Úc
  • Nếu người nộp đơn có quyền nhập lại Úc trong thời gian họ vắng mặt
  • Mối quan hệ của đứa trẻ với Úc như sự hiện diện của gia đình, tham dự trường học, thành viên câu lạc bộ…

Nếu đứa trẻ bị yêu cầu rời khỏi Úc (theo gia đình) trước sinh nhật lần thứ 10 của trẻ và không có quyền quay lại Úc, thì trẻ không thể được coi là thường trú tại Úc trong 10 năm đầu tiên.

Con cái của các nhà ngoại giao nước ngoài không thể coi là dân thường trú tại Úc với mục đích có được quyền công dân dựa trên việc họ đã trải qua 10 năm đầu tiên ở đây.

4. Nếu là du học sinh, và có con với người giữ visa 457, thì trẻ sinh ở Úc sẽ KHÔNG được quốc tịch Úc

Có rất nhiều người nhầm lẫn về visa 457. Visa 457 chỉ là visa lao động tạm trú, nhưng được ở Úc dài hạn, đây không phải là visa thường trú.

Và khi cha/mẹ không phải là thường trú nhân thì trẻ sinh ra sẽ KHÔNG có quốc tịch Úc. Trường hợp này trẻ sẽ giữ quốc tịch Việt Nam theo cha, mẹ.

5. Trẻ được sinh ra ở một quốc gia khác Úc

  • Nếu cha/mẹ có quốc tịch Úc: Trẻ sẽ có quốc tịch Úc.
  • Nếu cha/mẹ là thường trú nhân Úc: Cha mẹ phải xin Visa thường trú cho trẻ (Child Visa Subclass 101) và phải trả một khoản chi phí tương ứng.
  • Nếu cha mẹ giữ visa tạm trú: Phải làm hồ sơ cho người phụ thuộc (trẻ dưới 18 tuổi) theo đúng quy định của luật di trú, và khi gia đình quay trở lại Úc, trẻ KHÔNG có quyền trở thành công dân Úc khi được 10 tuổi.

Đây là một điểm khác biệt rất lớn giữa trẻ được sinh ra tại Úc và sinh ra tại một quốc gia khác. Cha mẹ cần lưu ý rất rõ điều này để có những chuẩn bị sẵn sàng khi trẻ được sinh ra.

(Source: Border Australia Website & FB H.A)

Quy định hàng hóa đem vào và ra khỏi Úc

Du khách có thể bị hủy visa nếu mang hàng hóa bị cấm vào Úc.

Đừng quên khai báo bất cứ thứ gì mà bạn mang theo. Vì nếu bạn khai báo tất cả, bạn sẽ không bị phạt dù một số hoặc tất cả những gì bạn mang theo đều bị cấm.

Từ ngày 17/4/2019, theo quy định mới, các quan chức ở phi trường Úc có quyền rút ngắn hoặc hủy visa du lịch của du khách, nếu họ cố tình không khai báo hàng hóa bị cấm.

Hành lý của mỗi hành khách khi đi qua hải quan Úc có thể được kiểm tra bằng tia X-quang, chó đánh hơi hoặc một chuyên viên phụ trách an toàn sinh học kể cả khi hành khách không khai báo gì. Nếu bạn bị phát hiện có mang theo hàng cấm mà không khai báo, bạn sẽ phải chịu phạt vì:

  • Khai báo sai trong Phiếu Nhập Cảnh.
  • Không khai báo những vật bị cấm.
  • Không xử lý các mặt hàng bị cấm.

Mức phạt rất nặng và gồm có nhiều mức:

  • Mức phạt khởi điểm lên đến $340 AUD.
  • Truy tố hình sự với mức phạt $66,000 AUD.
  • Có thể bị cáo buộc lên đến 10 năm tù giam.

⛔️ ⛔️ ⛔️ Những hàng hoá KHÔNG ĐƯỢC mang vào Úc.

1. Động vật sống.

  • Tất cả loài động vật có vú, chim, trứng chim và tổ chim.
  • Cá, rắn, rùa, cắc kè, bò cạp, giống lưỡng cư, loại tôm cua và sâu bọ.

2. Các sản phẩm làm từ trứng và từ sữa.

  • Tất cả trứng tươi đã nấu chín, sấy khô và thành bột, và những sản phẩm có chứa trứng chẳng hạn như bánh Trung thu.
  • Tất cả các sản phẩm làm từ sữa (ngoại trừ từ một số quốc gia được xem như không bị chứng bịnh lở móng lở mồm ở súc vật), kể cả những sản phẩm tươi và khô có chứa chất sữa chẳng hạn như cà phê 3 in 1 (cà phê không sữa sẽ được vào).
  • Loại sữa bột cho em bé, nếu có em bé đi theo thì được vào.

3. Những sản phẩm từ thịt không đóng hộp.

  • Tất cả các sản phẩm tươi, khô đông lạnh, đã nấu, được hun khói, được muối hay những sản phẩm thịt được bảo quản – từ tất cả loại thú vật.
  • Những sản phẩm đóng gói và được niêm kín rút hết không khí kể cả các loại mỳ và soup có chứa thịt vụn.
  • Thịt gà vụn, thịt bò khô, thịt chà bông đóng gói không có tính cách thương mại.
  • Bánh Trung thu có thịt heo hay loại thịt khác.
  • Xúc xích thịt heo.
  • Tất cả loại thức ăn cho súc vật kể cả những đồ nhai sống hay đồ hộp.

4. Trái cây và rau.

  • Tất cả các loại rau và trái cây tươi, đông lạnh, kể cả giống cam quít, chuối, bưởi, trái hồng, trái vải, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm trái thanh long, trái cây, hột dưa, nhãn mít và khế.
  • Lá chuối và khoanh chuối chiên.
  • Những sản phẩm từ mứt đều bị cấm sang Úc.

5. Hột giống và củ quả.

  • Hột giống các loại rau, hột giống bông hoa và hột giống trồng, một số hột giống đóng gói không có tính cách thương mại, những hột giống không rõ lai lịch, hột trang sức, hột cho chim ăn.
  • Trái thông, hột ngũ cốc, bắp rang.
  • Hột đậu sống, kể cả đậu phộng và hột dẻ.

6. Vật liệu thảo mộc.

  • Tất cả thảo mộc có rể không dính đất cát và trồng trong chậu, thảo mộc để trang hoàng, dây leo, cành cây, cây nho, rể cây của rể, củ, thân rể, thân cây, vỏ cây và loại thảo mộc có thể nẩy mầm.
  • Lá chuối, thuốc lá thô, cây tre may mắn, hột cà phê xanh.

7. Thảo dược và thuốc cổ truyền.

  • Tất cả cách trị liệu và thuốc men được hoặc chứa vật liệu làm từ thú vật. Thí dụ như: nhung nai, gạc nai, dương vật nai, sản phẩm làm từ móng chân súc vật, tổ chim, mỡ/thịt ếch.
  • Giun đất sấy khô, xác súc vật bị khô, ruột vịt, bao tử vịt, gân rùa và tắc kè.
  • Tất cả cách trị liệu và thuốc men làm từ hay có chứa vật liệu thảo mộc bao gồm nấm nâu đen và vỏ cây.
  • Phấn hoa của loài ong.

♻️ ♻️ ♻️ Những hàng hóa PHẢI KHAI BÁO.

Những thứ này phải khai báo trong “Declaration Card” và cần sự kiểm tra của cơ quan Kiểm Dịch Úc để chắc chắn những vật phẩm này không mang theo sâu bọ và bịnh tật vào nước Úc.

Một số vật phẩm có thể bị kiểm tra tại chỗ trước khi được mang vào.

1. Những sản phẩm từ thú vật.

  • Lông, xương, sừng và ngà.
  • Da, da sống, và bộ da lông thú (kể cả trống và khiên bằng da thú).
  • Len, lông cừu, sợi dệt và lông thú.
  • Chim và thú nhồi bông (phải được thuộc da hoàn toàn). Một số có thể bị cấm theo đạo luật bảo vệ thú hiếm.
  • Các loại vỏ ốc kể cả dùng làm nữ trang và vật kỷ niệm, và các loại vỏ ốc lượm ở bờ biển hay dưới biển (san hô và một số vỏ ốc bị cấm theo những luật lệ được bảo vệ thú hiếm).
  • Những sản phẩm từ loài ong kể cả sáp ong và tổ ong (phấn hoa bị hạn chế).
  • Những dụng cụ máy móc đã dùng cho thú vật kể cả dụng cụ thú y và thuốc cho thú y, đồ nghề chuyên môn xén hay làm thịt, yên cương ngựa và lồng nhốt thú vật hay chim.
  • Những loại thuốc thú y cần có giấy phép nhập cảng.

2. Những sản phẩm từ thảo mộc.

  • Phẩm vật làm từ gỗ và đồ gỗ chạm trổ cả đã được sơn tôi hay những thứ sơn mài (vỏ cây sẽ được gỡ ra).
  • Đồ tạo tác hay thủ công làm từ vật liệu thảo mộc, thảm, túi sách và những thứ khác làm từ vật liệu thảo mộc, lá lược của cây dương xỉ hay là cây (hàng hóa làm từ cây chuối bị hạn chế).
  • Những sản phẩm rơm và đóng gói bằng rơm
  • Hàng hóa đồ đạc bàn ghế làm bằng mây tre.
  • Hoa khô ướp với hương liệu và vỏ dừa.
  • Hàng hóa gồm có chứa hột ngũ cốc, vỏ ngũ cốc hay hột giống.
  • Đồ trang trí Giáng Sinh, vòng hoa và đồ trang sức.
  • Bông hoa khô và sản phẩm trang hoàng bằng hoa.
  • Hoa tươi và vòng hoa quàng cổ (loài hoa có thể được trồng bằng thân cây chẳng hạn như hoa hồng, giống cẩm chướng và hoa cúc đều bị cấm).

3. Thức ăn.

  • Thức ăn nấu và sống và những thành phần của chúng.
  • Các loại rau và trái cây khô đều phải được làm và đóng gói có tính cách thương mại.
  • Những sản phẩm từ cá và đồ biển khác – tươi và khô.
  • Mì bún và gạo, thịt chà bông/ruốc.
  • Thức ăn được đóng gói kể cả thức ăn và soup của hãng hàng không.
  • Hương liệu, đồ gia vị, và bột nêm.
  • Dược thảo và thuốc cổ truyền thuốc nam, thuốc bổ và trà thuốc.
  • Đồ ăn vặt.
  • Bánh qui, bánh ngọt và mứt kẹo.
  • Trà cà phê và những đồ uống nghi ngờ có chất sữa kể cả sữa bột của em bé.
  • Thức ăn được gói bằng lá chuối đều bị hạn chế.

4. Những hàng hóa khác.

  • Sản phẩm thủ công và đồ chơi làm từ thú vật hay vật liệu thảo mộc.
  • Vật liệu cho phòng thí nghiệm và sinh vật kể cả các mẫu và y khoa và thú vật.
  • Những dụng cụ cắm trại và thể thao đã sử dụng bao gồm lều, xe đạp, dụng cụ đánh gôn và câu cá.
  • Giày dép và quần áo đã bị ô uế và dính đất, phân hay vật liệu thảo mộc.

🅾️ 🅾️ 🅾️ NẾU BẠN KHÔNG KHAI BÁO?

Nhân viên an toàn sinh học có thể kiểm tra hành lý của bạn, ngay cả khi bạn không khai báo bất kỳ món hàng nào. Họ có thể sử dụng tia X hoặc chó nghiệp vụ.

Bạn phải khai báo hoặc bỏ bất kỳ món hàng nào có rủi ro sinh học trước khi kiểm tra. Nếu bạn khai báo sai sự thật trên tờ khai nhập cảnh:

  • Có thể bị bắt.
  • Có thể bị phạt.
  • Có thể bị truy tố, phạt hơn $420,000, bỏ tù đến 10 năm, và lưu hồ sơ tội phạm.

Bạn sẽ không bị phạt theo Luật An toàn Sinh học 2015 nếu bạn khai báo tất cả hàng hóa theo quy định.

ABF cho biết những du khách không tuân thủ những quy định trên có thể bị cấm trở lại Úc trong vòng 3 năm.

“Những người bị hủy visa trong những trường hợp trên có thể bị trục xuất về nước, và sẽ không được cấp visa trở lại Úc trong vòng 3 năm, trừ những trường hợp bắt buộc hoặc vì lý do nhân đạo,” một phát ngôn nhân của ABF nói với SBS Hindi.

✈️ ✈️ ✈️ Những điều cần biết khi mang hàng hoá ra khỏi nước Úc.

Khi bạn rời khỏi Australia, chính phủ Australia cũng có các quy định về xuất khẩu hàng hoá nông nghiệp, bạn cần đảm bảo là đã hiểu và biết được các luật lệ về xuất khẩu và các luật đó áp dụng như thế nào với bản thân.

Không rời khỏi Australia với tổng số lựơng hơn 10kg sản phẩm nông nghiệp với nguồn gốc từ Australia, bao gồm:

  • Rau quả.
  • Hải sản.
  • Thịt.
  • Sản phẩm sửa.

Bạn có thể vi phạm luật pháp.

Luật được áp dụng từ 1/1/2020.

(Source: SBS, H.A)

Hệ Thống Y Tế Ở Úc

Mục đích của hệ thống y tế này là giúp cho tất cả người Úc, bất kể hoàn cảnh cá nhân, có thể tiếp cận việc chăm sóc sức khoẻ với chi phí phải chăng hoặc miễn phí.

Úc có một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện nhất và dễ dàng tiếp cận nhất trên thế giới. Hệ thống này áp dụng cho mọi công dân hoặc thường trú nhân Úc.

Medicare là phần quan trọng nhất trong hệ thống y tế của Úc.

Medicare

Medicare là gì?

Medicare là chương trình chăm sóc sức khoẻ được vận hành bởi chính phủ Úc và được áp dụng trên tất cả các bang của Úc. Medicare được áp dụng cho cả công dân Úc lẫn thường trú nhân Úc.

Medicare chi trả những chi phí y tế sau:

  • Hầu hết chi phí khám chữa bệnh ở bệnh viện công
  • Một phần chi phí khám bệnh ở phòng mạch bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ chuyên khoa
  • Một phần chi phí các dịch vụ khác như vật lý trị liệu (physiotherapy), y tá cộng đồng, hay nha khoa cơ bản cho trẻ em
  • Trợ cấp một số dược phẩm (tức là nếu bạn là công dân hay thường trú nhân Úc thì sẽ được mua với giá rẻ hơn so với khách du lịch Úc). Bạn có thể xem thêm ở phần website tham khảo.

Ai đủ điều kiện để nhận Medicare?

  • Bạn là công dân Úc, hay thường trú nhân Úc, hoặc
  • Bạn đang nộp đơn xin visa thường trú và có quyền được làm việc tại Úc, hoặc có cha/mẹ, vợ/chồng, hoặc có con là công dân Úc, hoặc thường trú nhân đang sinh sống tại Úc.

Đăng ký Medicare

Bạn nên đến văn phòng của Medicare để làm đơn ngay sau khi bạn đến Úc. Việc khám bệnh sau khi có thẻ Medicare sẽ đơn giản hơn nhiều.

Để sử dụng hệ thống Medicare, bạn cần phải đăng ký và hoàn tất một số giấy tờ thủ tục. Bạn có thể điền thông tin trước theo mẫu và mang đến văn phòng Medicare. Bạn sẽ phải chờ 15-60 phút ở văn phòng Medicare. Sau khi xong hết thủ tục bạn có thể bắt đầu sử dụng hệ thống Medicare.

Xem thêm thông tin về đăng ký Medicare: https://www.humanservices.gov.au/individuals/subjects/how-enrol-and-get-started-medicare/enrolling-medicare

Khám bệnh

Nên mang theo hồ sơ khám chữa bệnh (tiền sử bệnh và điều trị) của bạn và gia đình khi sang Úc. Nếu có con, hãy mang theo cả hồ sơ tiêm chủng, vì cả trung tâm giữ trẻ hay trường học đều cần hồ sơ này.

Khác biệt giữa Việt Nam và Úc

Không như ở Việt Nam, ở Úc khi có bệnh bạn phải bắt đầu từ bác sĩ gia đình. Bệnh viện chỉ dành cho trường hợp cấp cứu hoặc các chương trình chữa bệnh đã được bệnh viện chấp thuận trước, như các ca mổ.

Ở Úc bạn không thể mua những loại thuốc chuyên khoa như ở VN nếu không có toa của bác sĩ.

Quy trình khám bệnh

Nhiều bệnh sơ sài có thể chữa trị bằng thuốc mua ở nhà thuốc Tây. Nếu muốn, bạn có thể đi tới bác sĩ gia đình khi bị các vấn đề sức khỏe lặt vặt, chẳng hạn như đau bụng, hắt hơi, ho, sốt, nổi mẩn, tiêu chảy. Bác sĩ gia đình có thể cho bạn biết phải làm gì và kê toa thuốc trị bệnh cho bạn. Bác sĩ gia đình cũng có thể gởi bạn đi chụp x-quang hoặc thử máu (thường là miễn phí). Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ gia đình sẽ giới thiệu bạn đến khám bác sĩ chuyên khoa (là những bác sĩ được đào tạo chuyên ngành – Úc gọi là specialist)

Đối với các trường hợp khẩn cần cấp cứu hoặc tai nạn, hãy đi thẳng tới bệnh viện gần nhất để được chăm sóc đặc biệt và điều trị gấp. Lưu ý là nếu bạn tới bệnh viện vì chuyện nhỏ nhặt, bạn sẽ đợi rất lâu mới được bác sĩ khám bệnh; trong đa số trường hợp, bạn phải đợi nhiều giờ đồng hồ.

Bác sĩ gia đình

Còn gọi là bác sĩ đa khoa (General Practitioner, hay GP). Phòng mạch bác sĩ gia đình sẽ là nơi đầu tiên bạn tới khi có bệnh.

Để tìm bác sĩ giỏi và phù hợp với mình, bạn có thể lên mạng và dùng công cụ tìm kiếm thông tin để tìm danh sách các bác sĩ ở gần khu vực của mình sinh sống. Bạn cũng có thể tìm hiểu thông tin từ bạn bè, hàng xóm, người quen về bác sĩ gia đình đáng tin cậy hoặc phù hợp với yêu cầu của bạn.

Bulk bill hay không bulk bill?

Bulk bill có nghĩa là chi phí khám bệnh sẽ được chi trả 100% bởi Medicare và bạn không phải trả bất cứ đồng nào khi đi khám mà chỉ cần “quẹt” (xuất trình) thẻ Medicare tại phòng khám.

Nếu bác sĩ quyết định không bulk bill thì họ có thể tính tiền mắc hơn khoản Medicare chi trả. Do vậy, bạn nên tìm hiểu kỹ trước khi đến gặp bác sĩ xem họ có tính tiền theo cách bulk bill hay không. Nếu bác sĩ không tính tiền theo cách bulk bill, bạn phải trả thêm một khoản tiền phụ trợ khi khám ngay cả sau khi “quẹt” thẻ.

Bạn có thể gọi điện trực tiếp phòng mạch để hỏi, e.g. Does doctor X bulk bill? If not, what is my out of pocket?

Bạn có thể tự do chọn hoặc thay đổi bác sĩ gia đình để tìm người phù hợp với mình.

Bác sĩ chuyên khoa

Đối với những bệnh cần chuyên sâu, bác sĩ gia đình sẽ giới thiệu bạn đi gặp bác sĩ chuyên khoa. Bạn có thể tự do chọn bác sĩ chuyên khoa và yêu cầu bác sĩ gia đình viết giấy giới thiệu (referral letter).

Lưu ý là bác sĩ chuyên khoa sẽ không gặp bạn nếu như không có giấy giới thiệu từ bác sĩ gia đình.

Thường thì bạn sẽ phải đợi một hay vài tuần khi book lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa. Nếu có gì nguy hiểm cần phải chữa liền thì bạn có thể đi bệnh viện. Bác sĩ gia đình cũng có thể yêu cầu bác sĩ chuyên khoa khám sớm cho bạn.

Sau khi khám, bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định phương thức điều trị. Trong trường hợp cần phải mổ, họ sẽ liên lạc bệnh viện để book.

Phần lớn bác sĩ chuyên khoa không bulk bill và tính tiền mắc hơn bác sĩ gia đình. Chi phí khoảng một đến vài trăm AUD và Medicare chỉ bồi hoàn một phần nhỏ. Bạn nên hỏi chi phí khám khi book bác sĩ.

Medicare thanh toán khoản phụ trợ thế nào?

Nếu bạn có tài khoản ngân hàng liên kết với Medicare, thì đơn xin bồi hoàn của bạn sẽ được duyệt xét ngay tại phòng mạch bác sĩ. Nếu phòng mạch bác sĩ không có dịch vụ đó thì bạn phải tự mình xin bồi hoàn, thông qua trang mạng của Medicare hoặc ứng dụng Medicare cài trên điện thoại di động.

Trợ giúp ngôn ngữ

Nếu cần một người phiên dịch, bạn có thể liên lạc Translating and Interpreting Service (Số điện thoại: 131 450). Họ sẽ hỗ trợ thông qua điện thoại hoặc gửi người đến trực tiếp. Dịch vụ này hoàn toàn miễn phí, nhưng bạn cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước. Một số bác sĩ chỉ nhận đặt hẹn trước với phiên dịch vào những thời điểm nhất định.

Website tham khảo

Thủ tục xin PASSPORT cho trẻ em tại Úc

Bao nhiêu tuổi được xem là trẻ em?
Theo luật Úc thì công dân dưới 18 tuổi được xem là children – trẻ em.

Tất cả trẻ em khi đi ra khỏi nước Úc phải có passport riêng dù là sơ sinh mà không được tính kèm theo passport cha mẹ như trước kia.

Passport dành cho trẻ dưới 16 tuổi có hiệu lực trong 5 năm. Từ 16-17 tuổi sẽ được cấp passport 10 năm.

Mỗi lần trẻ renew làm lại passort sắp hết hạn thì full application tức một hồ sơ passport gồm đầy đủ các giấy tờ phải được nộp lại như lần đầu.

✍Yêu cầu nhân thân
Mỗi hồ sơ xin passport phải có bản gốc giấy khai sinh và giấy chứng nhận quốc tịch.

Chữ ký của cả cha và mẹ hay giấy đồng ý cho làm trẻ làm passport của cha hoặc mẹ hay người có trách nhiệm cho trẻ có passport.

Hai tấm hình, trong đó có 1 tấm có chứng nhận ở phía sau. Điều kiện người chứng nhận hình phải là :

– Là công dân Úc từ 18 tuổi trở lên.
– Không liên hệ gia đình với đương đơn.
– Không có quan hệ thực tế hoặc đã đăng ký với cha / mẹ của đương đơn trẻ em.
– Không sống cùng một địa chỉ với đương đơn hoặc cùng địa chỉ với cha / mẹ của đương đơn trẻ em.
– Đã biết đương đơn trong ít nhất 12 tháng, hoặc kể từ khi sinh đối với trẻ em dưới một tuổi.
– Đang có hộ chiếu Úc chưa hết hạn ít nhất 2 năm hoặc được ghi tên vào danh sách cử tri Liên bang tại địa chỉ hiện tại của họ tối thiểu là 12 tháng.
– Phải đồng ý để đại diện của Australian Passport Office liên lạc xác nhận danh tính của người nộp đơn.

 Ký xác nhận
Đơn xin passport trẻ em phải được phụ huynh hoặc người có trách nhiệm nuôi trẻ đọc và ký vào đơn nộp. Việc ký nhằm xác nhận rằng thông tin khai là đúng sự thật và chính xác. Ký cũng nhằm thừa nhận rằng bạn có hiểu rằng các thông tin cá nhân của trẻ sẽ được Bộ Ngoại giao và Thương mại nắm giữ.

Trẻ em từ 10 tuổi trở lên được yêu cầu ký tên vào mẫu đơn bên cạnh chữ ký của cha / mẹ hoặc người có trách nhiệm nuôi nấng.

Đơn xin hộ chiếu của trẻ phải được cha / mẹ hoặc người nuôi dưỡng nộp cho đứa trẻ. Người nộp đơn phải trình bằng chứng thẻ ID có ảnh, chữ ký và địa chỉ cư trú.

Các đương đơn trẻ em từ 16 đến 17 phải đi cùng cha mẹ để nộp đơn. Trẻ em dưới 16 tuổi không cần phải đi cùng.

Trước khi nộp đơn xin passport cho con quý vị, kiểm tra lại danh sách những thứ quy định để chắc chắn đơn của bạn đầy đủ và hợp lệ tránh đi tới đi lui nhiều lần.

(Maria A.)

Các Bước Lấy Bằng Lái Xe Ở Tiểu Bang New South Wales

Bằng L

Dành cho người mới bắt đầu. Bạn cần học và thi luật để lấy bằng này. Bạn có thể vô trang web của Sở Giao Thông NSW để tải tài liệu dạng ebook về học hoặc mua sách in ở bất cứ văn phòng nào của Sở Giao Thông NSW. Bạn có thể tại về 1 số ứng dụng trên điện thoại hay máy tính để để luyện tập và nó khá giống với đề thi thực. Sau khi nắm vững kiến thức, bạn phải đăng ký trước ngày giờ để đi thi: cũng giống như khi tìm tài liệu, bạn có thể đăng ký trên mạng hoặc đến văn phòng của Sở Giao Thông NSW. Đậu được kỳ thi này thì bạn sẽ được cấp 1 cái bằng gọi là bằng Learner (bằng L) và một cái bảng L dùng để gắn lên xe khi chạy ngoài đường. Người có bằng L khi lái xe bắt buộc phải có 1 người có bằng full ngồi bên cạnh.

Bằng P1 (P đỏ)

Sau khi giữ bằng L trong vòng 12 tháng, bạn có thể đăng ký thi tiếp lên mức kế tiếp là bằng P1. Đây là phần thi kỹ năng lái, nên bạn phải đăng ký học với trường dạy lái xe hợp pháp. Sau khi học đủ số giờ yêu cầu, bạn sẽ đăng ký đi thi giống như bước 1. Đến ngày thi, bạn sẽ đến một cơ sở của Sở Giao Thông NSW để thi. Bạn sẽ được yêu cầu lái xe với một giám khảo (ngồi kế bên). Nếu thi đậu, bạn sẽ được chứng nhận đậu bằng P1. Bạn sẽ đổi bằng lái xe từ L sang P1. Và bạn được phép lái xe với một số điều kiện kèm theo (treo tấm biển P đỏ, tốc độ giới hạn dưới 90 km/h v.v…)

Bằng P2 (P xanh)

Sau 1 năm giữ P1 thì bạn đủ tiêu chuẩn để thi lên P2. Đây là thi mô phỏng tình huống trên máy tính. Đậu được kỳ thi này thì bạn được cấp bằng P2. Tương tự bằng P1, bạn có thể lái xe với điều kiện kèm theo (gắng bảng P xanh, tốc độ giới hạn tối đa 100 km/h)

Bằng Full

Sau khi giữ bằng P2 trong vòng 2 năm thì bạn đủ tiêu chuẩn để thi lên bằng Full. Cũng là thi mô phỏng trên máy tính. Đậu được kỳ thi này thì bạn sẽ được cấp bằng Full và được lái xe không giới hạn tốc độ (tất nhiên là phải theo giới hạn của bảng báo trên đường) và cũng không phải treo thêm cái bảng nào trên xe khi đi ra đường nữa. 😀

Trên đây chỉ nêu khái quát các bước để lấy bằng lái xe ở tiểu bang NSW – Úc. Các bạn có thể tham khảo thêm chi tiết trên các trang mạng hoặc các nguồn liên quan.

Hai đêm ven rừng Tasmania

Hồi nhỏ, mình được ông ngoại kể chuyện rằng, ông đã từng sống trong rừng, nhà của ông rất rộng, hàng ngày muông thú, chim chóc vào nhà chơi với ông. Ông thường đi trong rừng, gặp nhiều loại cây cỏ kỳ lạ, hoang thú, thậm chí cả thú dữ. Mình còn nhớ, ông bảo cứt của hồ rất thối vì chúng ăn thịt; còn da của voi rất dày, dày đến nỗi muỗi cũng không đốt được. Lớn lên, ông đã mất, mình vẫn tưởng những chuyện như thế là sự thật cho đến khi bà ngoại bảo ”ông mày phịa ra đấy, làm gì có chuyện ông ở trong rừng”. Mặc dù vậy, chuyện của ông vẫn bị ăn sâu vào tâm trí mình, mình vẫn ao ước giá mà một lần được ngủ trong thiên nhiên hoang dã thì thú vị biết bao.

Cách đây mấy năm, nhà mình và nhà một người bạn đi chơi Anna Bay, một vùng vịnh phía Bắc tiểu bang NSW. Hai nhà mang theo hai cái lều của ALDI và cắm trại qua đêm trên bãi biển. Lều có năm chục bạc mà tốt thật, đêm hôm đó mưa to gió lớn mà cả lũ trẻ con người lớn ngủ say như chết. Sáng hôm sau, nhìn ra mới thấy mép nước do thủy triều lên chỉ còn cách lều độ 2 mét. Mấy lần mình rủ cả nhà đi ngủ bụi thêm trận nữa nhưng hai cháu nhà mình không chịu nên thôi. Ngủ ngoài biển tạm coi đã xong, mình vẫn ấp ủ sẽ phải có lúc ngủ trong rừng nữa mới thỏa.

Trong chuyến Nam tiến về một hòn đảo nhỏ, đảo Tasmania, mình và mấy người bạn chán thành phố đã thuê một cái cottage (nhà tranh) cách thị xã Hobart chừng mười cây số. Không xa thành thị lắm, nhưng khung cảnh hoang vu lạ thường, điện thoại mất sóng làm mọi người có cảm giác bị đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Ngôi nhà quá rộng, dường như không có ranh giới giữa nhà với rừng và những những nhà “hàng xóm” xa xôi khác. Trong nhà thơm lừng mùi gỗ vì nhà được làm hoàn toàn làm bằng gỗ, dù là sàn, mái hay các vách tường. Khi màn đêm bắt đều buông xuống đã phải dùng lò sưởi vì cách nhiệt không được tốt, mặc dù đã sang Xuân. Giống như nhà sàn ở Việt Nam, tầng dưới cùng bỏ không để tránh thú dữ. Nhưng ở đây làm gì có những loại ấy, chỉ là những chú chuột túi wallabies to hơn con mèo một chút. Khi đưa bọn mình tới nơi, chủ nhà đã kể chuyện là kangaroo thường thăm viếng vào lúc chập choạng tối hoặc sáng sớm. Bọn mình cũng không phải chờ lâu, một đàn Wallabi chừng 5-6 con thản nhiên vào sân vườn nhà người ta. Chúng có vẻ ngơ ngác khi thấy những người lạ đang giương các loại máy ảnh về phía chúng.

Buổi tối hôm đó, sau khi ăn uống và mọi người đã đi nghỉ, mình tranh thủ đi dạo một mình, thực ra cũng chỉ là loanh quanh vì không có đèn điện và cây cối quá um tùm nên không đi xa được. Tuy vậy mình cũng phát hiện ra mấy loài hoa rừng mà người chủ nhà đã bầy biện trong phòng khách. Mình hy vọng sẽ bắt gặp con vật gì đó nhưng không hề, đến cả muỗi cũng không thấy ? Khung cảnh quá sức tĩnh mịch, có lẽ các chú chuột túi và các loài vật khác nếu có đã đi ngủ hết.

Sáng hôm sau, mình lại ra sau nhà ngồi thiền 15 phút. Mình đã cố tăng thời gian thiền nhưng không được, thôi đành an ủi, không cần chạy theo số lượng, nếu có chất lượng thì cũng tốt, nhất là trong một môi trường trong lành thế này. Người ta bảo đảo Tasmania làm một trong những nơi không khí tinh khiết nhất thế giới, thậm chí đã có dịch vụ đóng gói không khí để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thiền là một cách luyện tập buông bỏ, là một cách hấp thụ năng lượng từ thiên nhiên, rất có lợi cho sức khỏe tâm thần. Có lần mình khuyên một người bạn nên tập dưỡng sinh thì anh bảo anh không thể tĩnh tâm được, vì lúc nào cũng đứng ngồi không yên, lo lắng đủ thứ việc. Ở đây là vấn đề con gà có trước hay quả trứng có trước. Tập Thiền rồi mới có thể tĩnh, chứ không thể chờ tĩnh để bắt đầu tập. Mình luyện tập chưa lâu, trình còn thấp nhưng đã thấy chuyển biến nhiều trong người. Ít nhất là không cảm thấy hay nóng giận, hấp tấp như trước và do đó lạc quan yêu đời hơn. Buổi thiền ngoài thanh thiên giữa rừng Tasmania, không phải rừng thẳm mà chỉ là ven rừng, có lẽ là một trong những buổi tập thành công nhất, mang lại nhiều khoan khoái nhất. Sự thành công này lại một lần nữa được tái lập vào sáng hôm sau.

Tối thứ hai cũng là tối cuối cùng, tụi mình nướng BBQ trên “nhà sàn” nhưng chỉ có một chút thịt bò và heo mà khá nhiều chất xơ như nấm, khoai, bánh mỳ và các loại rau. Các loại đồ ăn của Tasmania tươi ngon, hữu cơ và vật giá không đắt đỏ như Sydney. Một ngôi nhà tranh, đúng ra là nhà gỗ như thế này có thể coi là rẻ so với mặt bằng giá cả hiện nay. Trong khung cảnh thần tiên, mình cố hít thở không khí thật nhiều, thật sâu. Tận hưởng là ý nghĩ cứ đeo đẳng trong thời gian ngắn ngủi ở hòn đảo nhỏ bởi mình chưa thể biết chưa đến khi nào mới có cơ hội để trở thành Robinson một lần nữa.

Phil Dang

Nước Úc – Bốn mùa Lễ hội

Nước Úc đang ở vào những ngày đầu Xuân, lúc cây cối đâm chồi nẩy lộc, muôn hoa khoe sắc, không quá trau chuốt nhưng đầy sức sống khỏe khoắn, hoang dại.

Người Hồi giáo cũng có 2 dịp Lễ hội lớn liên quan đến tôn giáo trong năm, đó là Eid Adha (First Eid) và Eid Fitr (Second Eid), hai dịp lễ hội này cách nhau 2 tháng 10 ngày (Eid nghĩa là Lễ hội, theo tiếng Ả Rập). Second Eid chính là mùa hành hương (Hajj season), dịp người Hồi giáo khắp nơi về thăm thánh đường Mecka và Madina. Cả đời người Hồi giáo bắt buộc phải có ít nhất 1 lần hành hương thì mới được coi là đắc đạo.

Người theo đạo Hồi ở Úc không nhiều, đa phần vẫn là Thiên chúa giáo. Thật ra Úc không chỉ có 2 mùa Lễ hội mà có đến 4 mùa nghỉ lễ rơi vào 4 kỳ nghỉ của học sinh phổ thông, trong đó kỳ nghỉ hè là dài nhất, 6 tuần; ba kỳ nghỉ kia, mỗi kỳ chỉ có 2 tuần. Ai đi nghỉ vào dịp này thì biết ngay, giá vé máy bay, khách sạn đều cao hơn hẳn, nhưng cũng không thể tránh được vì không lẽ lại bắt con cái nghỉ học đi chơi.

Nhớ lại dịp Christmas 1998, đó là kỳ Christmas thứ 5 của mình tại Úc, mới là năm đầu tiên mình đi ra đường giải ngố vào dịp này. Thật kỳ lạ, Noel gì mà phố xá vắng tanh, vắng hơn cả ngày thường rất nhiều. Sau mới biết, người Úc ít lêu têu ngoài đường vào đêm Noel, họ thường đi vào Nhà thờ, hoặc vào các câu lạc bộ (club), hoặc nhỏ hơn là các quán rượu (pub). Quán rượu thì hầu như điểm dân cư nào (suburb) cũng có, nhưng câu lạc bộ thì chỉ mở ở những vùng ngoại ô lớn và khu trung tâm thành phố. Câu lạc bộ thường rộng rãi, chia nhiều khu như đánh bạc riêng, nơi ẩm thực, cafe, vui nhộn nhất là khu vực sân khấu và sàn nhảy. Giờ đóng cửa của các Câu lạc bộ được quy định tùy theo tiểu bang, đối với NSW là 3 giờ sáng. Vào club có thể gây nghiện vì có quá nhiều trò vui, hấp dẫn, một điều kỳ lạ là giới trung niên và già còn đông hơn thanh niên.

Tháng Giêng bao giờ cũng là tháng ăn chơi, thời gian có nhiều lễ lạc nhất. Trong tháng Sydney Festival, có hàng trăm điểm vui chơi mới lạ, hấp dẫn. Thời tiết mùa hè rất phù hợp với các hoạt động ngoài trời vào buổi tối, khi đèn trang trí trang hoàng khắp nơi, vui mắt, sinh động; đặc biệt là các chương trình hòa nhạc quyến rũ và miễn phí ngoài đường phố.

Lễ hội Easter không cố định ngày trong năm như Christmas, mặc dù theo dương lịch (mặt trời), nhưng thường rơi vào kỳ nghỉ Thu tháng Tư của học sinh. Easter show đã trở thành một thương hiệu, một địa điểm vui chơi lớn tại Sydney, được tổ chức tại khu vực sân vận động Olympic. Ai mua vé show sẽ được đi xe lửa, xe bus riêng miễn phí rất tiện lợi vì nếu đi xe cá nhân sẽ rất khó tìm chỗ đậu xe.

Vào mùa thu, mùa lá vàng và lá rụng trải đầy trên mặt cỏ, mặt đất khắp mọi nơi, tạo nên những khung cảnh hết sức thơ mộng. Thời tiết đã trở nên lạnh lẽo, cho phép những nam thanh nữ tú trưng diện những bộ đồ thời trang lộng lẫy và trang nhã nhất. Một số lễ hội ở các vùng đồng quê được tổ chức vào dịp này, thu hút đông đảo những du khách từ các đo thị lớn và cả khách thập phương.

Kỳ nghỉ đông tháng 7 là dịp đi trượt tuyết. Ở Úc, phải đi vào những vùng núi cao mới có tuyết. Mà đường vùng núi thì bình thường đi đã khó, mùa tuyết phủ lại càng khó đi hơn. Đểđảm bảo an toàn, người ta phải lắp thêm những sợi dây xích vào các bánh xe.

Điều khác biệt với các xứ sở châu Âu, lạnh lẽo đi kèm với ảm đạm còn mùa đông của Úc, trời vẫn có nhiều ánh nắng. Vì Úc ở Nam bán cầu, mùa đông Úc trùng với mùa nghỉ hè ở các nước nên đây cũng là một dịp mà nước Úc được đón các du khách từ phương xa. Đặc biệt, các trường học ở Úc đã tổ chức các khóa học hè cho các em học sinh quốc tế vào dịp này. Các khóa học kéo dài từ 2 đến 4 tuần, các em được đi thăm quan các cảnh đẹp nước Úc, được giao lưu kết bạn và cũng là dịp thực hành và trau dồi tiếng Anh.

Mùa Xuân của Úc bắt đầu từ tháng 9, hội hoa được tổ chức ở khắp mọi nơi. Ở Leura, quý khách sẽ được thăm quan 11 vườn hoa, mỗi khu vườn một vẻ, muôn sắc, độc đáo và nên thơ. Mình ấn tượng với một vườn Tuylip Top Garden, ngoại vi Canbera, hoa tuylip trải rộng, dọc theo các sườn đồi. Khách thăm quan không đông, đủ tĩnh lặng để mọi người đi ngắm hoa thưởng thức tiếng nhạc cổ điển phát ra từ những chiếc loa giăng dọc theo những lối đi.

Nước Úc có khí hậu ôn hòa, quanh năm không nóng quá hay lạnh quá, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Sydney hay Melbourne. Nhưng vào mùa Xuân, khi những ngày lạnh lẽo nhất trong năm đã qua, người dân đổ ra đường nhiều nhất vào dịp này. Mình đến với nước Úc lần đầu tiên vào thời gian mùa Xuân. Cây cỏ của Úc cũng khác thật, mấy đứa du học tụi mình trầm trồ ngắm một cái cây, sao mà óng ả, xanh mướt. Úc có nhiều mưa, lá cây được gột rửa thường xuyên; bầu trời Úc trong vắt, không bụi bặm, giúp cho cây sạch tinh tươm.

Dịp mùa Xuân, dãy phố The Nine Ave ở Campsie chỉ có hai màu, đó là màu tím của hoa phượng Jacaranda và màu đỏ tươi của những mái ngói.

Vua Hàm Phong nước Tàu có một tâm sự thế này: mặc dù trong cung cấm có muôn loài hoa kiều diễm, hoàng hậu, ái phi, cung nữ nhưng Vua không thích hoa cắm sẵn trong bình, lọ mà chỉ thích hoa ngoài thiên nhiên, nới Vua có thể tự tay hái, ngắt. Hàm Phong cải trang đi sâu vào trong dân dã, nói nôm na là đi tán gái. Có lần, bị bố của một cô gái bắt được, mang gậy ra nện, làm tên hầu cận đi cùng phải cuống quít van xin.

Có lẽ chỉ có Úc mới có nhiều hoa trong thiên nhiên đến như vậy. Hoa vào mùa Xuân ở Úc nở khắp mọi nơi, sông suối, hồ ao, công viên, bến tàu xe, dọc vỉa hè…

Nếu mình sống được 50 năm nữa, mình sẽ dành thật nhiều thời gian cho cây cỏ, hoa lá. Mình sẽ làm bạn với chiếc gậy, đi bộ khắp nơi.

Phil Dang

Hãy làm dự án nông trại bò và sữa bò

Lục địa Úc vốn không có bò, do đó tổ tiên của loài bò Úc được di cư từ các chuyến tàu đi định cư đầu tiên. Trải qua gần 230 năm, đến nay đàn trâu bò Úc đã lên đến 27 triệu con, phân bố theo thứ tự từ nhiều đến ít là các tiểu bang QLD, NSW, VIC, WA, NA, SA và TAS.

So với các nước chăn nuôi bò hàng đầu của thế giới thì đàn trâu bò Úc còn mỏng hơn nhiều so với Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc và Mỹ. Mặc dù vậy, Úc lại là nước xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới và nổi tiếng với phẩm chất thơm ngon. Trị giá ngành trâu bò Úc lên đến 14.3 tỉ Úc kim, chiếm ¼ tổng trị giá ngành chăn nuôi nói chung. Về xuất khẩu, ngành trâu bò mang về cho nước Úc 10 tỉ Úc kim/năm với các thị trường chính là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc. Riêng bò sống xuất khẩu đạt trị giá 1.5 tỉ Úc kim thì dồn chủ yếu cho thị trường Indonesia (46%) và Việt Nam (23.5%). Thỉnh thoảng lại có tin, các tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng tố cáo một số lò mổ của Indonesia và Việt Nam đã giết mổ không đúng tiêu chuẩn, gây đau đớn cho con vật trước khi chết. Tuy nhiên, giết mổ tại Úc chi phí quá cao, do vậy cách tốt nhất là những nước có chi phí nhân công thấp như Indonesia hay Việt Nam nên nhập khẩu bò sống thì có lợi hơn về mặt kinh tế.

Bê bò quả là phức tạp bởi có đến hàng chục từ để chỉ thịt bò, mỗi bộ phận, vùng miền trên cơ thể đều có từ ngữ riêng để diễn tả! Mỗi bộ phận như vậy đều có cách chế biến và cách ăn cũng khác nhau và có lẽ kể cả những người sành điệu nhất về thịt bò cũng không biết hết. Riêng món bít tết (steak) cũng chia làm 5 hạng từ tái nhất cho đến chín nhất, với nhiều loại thịt khác nhau và nhiều loại nước sốt khác nhau.

Nuôi bò ở Úc khá dễ dàng vì bò chỉ có ăn cỏ, mà cỏ thì lại có sẵn trên các thảo nguyên mênh mông của lục địa Úc châu. Theo “rule of thumb” (quy tắc ngón tay cái), mỗi con bò cần khoảng 1.8ha thì đủ cỏ để ăn cho cả năm. Một chị chủ người Việt kể, trang trại bò của chị cách Sydney khoảng 500 km, cả đàn chỉ có 300 con nên tạm coi là nuôi “làm cảnh” chứ phải nuôi cỡ 1.000 con trở lên thì mới gọi là làm ăn thực sự và có tính thương nghiệp. Với số bò như vậy, chị chỉ thuê một anh chăn bò và anh sống một mình vui buồn với đàn bò trong trang trại.
18b

Người Việt ở Sydney hẳn đều biết đến “huyền thoại” Phở An. Nghe đồn chủ nhân của nó đã là triệu phú chục triệu đô, hoặc hơn nhờ vào bán phở và chỉ bán một món duy nhất là phở bò. Phở bò thương hiệu “An” có loại thịt hảo hạng, thơm mềm và đặc biệt nước dùng ngọt đậm do có nhiều xương. Xem người ta làm ăn, hóa ra kiếm tiền ở xứ Úc có vẻ dễ như bỡn?

Trước đây, thịt bò là món ăn dành cho giới nhà giàu ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài chợ thường bán thịt trâu, thẫm màu và dai ngoắt do hết tuổi đi cày chứ thịt bò thật thì khá hiếm và đắt đỏ. Bố mẹ mình đều sinh trưởng trong các gia đình khá giả, tạm coi thuộc “giai cấp thịt bò” nên khá hợp nhau về sở thích ăn thịt bò, và bố làm bít tết còn ngon hơn mẹ. Bản thân mình cũng coi thịt bò là món khoái khẩu quen thuộc, thế nào lại được sinh sống ở đất nước thịt bò, đúng là “địa lợi, nhân hòa”.

Hồi mới qua Úc, mình khá ngạc nhiên khi thấy một số nhà hàng đã để bình sữa tươi miễn phí cho khách y như nước lọc. Rõ ràng sữa tươi ở Úc quá nhiều và rẻ. Từ lúc lọt lòng, mình là trường hợp khác thường vì được dùng sữa bò thường xuyên chứ không như những đứa trẻ cùng trang lứa thời đó, sữa bò là một thứ xa xỉ.

Các nghiên cứu cho rằng, sữa bò hết sức bổ dưỡng, chẳng thế mà mấy năm gần đây, thị trường sữa bột đã lên cơn sốt, nhiều siêu thị phải hạn chế số lượng, bằng không thì “bọn Tàu” vét sạch. Từ vấn đề này nẩy sinh là một chuyện làm ăn xuất phát từ nhu cầu thị trường cực lớn. Khả năng của Úc lại dồi dào từ nguồn nguyên liệu, công nghệ sản xuất sữa bột của Úc được kiểm soát tốt. Vấn đề ở đây là các nhà đầu tư mạnh dạn xây dựng một thương hiệu, thủ tục đăng ký cũng khá dễ dàng, cân đối được đầu vào đầu ra là sẽ có một doanh nghiệp vững mạnh. Tập đoàn TH của Việt Nam đã mua những nông trại bò khổng lồ ở Bắc Úc, trị giá hàng trăm triệu USD.

Bên cạnh đó, làm nông trại bò cũng là một hình thức làm ăn có triển vọng. Đất đai của Úc vẫn còn rẻ, trồng cỏ không khó, phương tiện kỹ thuật cũng dễ dàng, nhân lực chăn nuôi ít, chỉ cần người đầu tư. Nguồn thu của nông trại bò không chỉ là bán thịt hay bán sữa mà còn có thể có qua tổ chức các đoàn khách du lịch đến thăm quan. Người châu Á còn tin rằng ngẩu pín (“chim” bò) rất tốt cho việc thể hiện bản lĩnh đàn ông, vậy các nông trại có thể đáp ứng cho khách bằng cách giết mổ và bán các bộ phận tại chỗ.

Phil Dang

Chợ Việt ở Melbourne

Melbourne là thành phố lớn thứ 2 ở Úc và có hơn 100 ngàn người Việt sinh sống tại đây. Ở đâu có nhiều người Việt tập trung sinh sống thì sẽ có những chợ người Việt xây dựng lên và sinh hoạt rất nhộn nhịp. Chợ người Việt là nơi trao đổi mua bán thực phẩm Việt, thường có nhiều thực phẩm rẻ hơn bên ngoài hoặc không tìm thấy ở các siêu thị và chợ Úc. Người mua bán ở chợ Việt đa phần là người Việt, người Tàu nhưng cũng có người các quốc tịch khác. Đi chợ người Việt cuối tuần gần như là một nét sinh hoạt văn hóa quen thuộc của du học sinh Việt Nam và nhiều gia đình Việt Nam sống ở Úc. 

Nhắc đến chợ người Việt là mọi người nói đến ngay chợ Footscray, Sunshine, St Albans, North Richmond và Springvale. Ở đây, các loại rau cải Việt Nam và Châu Á được bày bán khá nhiều như tía tô, rau mùi, dấp cá, khổ qua, xà lách xoong, củ sắn, su hào …. Cũng như các loại trái cây đặc sản Việt Nam như vú sữa, măng cụt, mít, xoài, nhãn, mận… được bán theo mùa nên rất tươi và ngon vì chủ shop mua trực tiếp từ trên farm.

Ngoài ra chợ còn bán đồ khô, mì gói, miến, bún, bánh hỏi được nhập từ trong nước; đồ hộp như cá hộp, gia vị, dưa muối, cà pháo, tương ớt. Mọi người có thể mua thịt và hải sản tươi ngon tại các khu chợ trên. Mọi người có thể đến chợ vào cuối tuần vì các shop giảm giá rất nhiều trên các mặt hàng, rất nhộn nhịp và sầm uất. Có một số chợ đến 4 giờ cuối tuần sẽ sale hàng hóa (vì 5 giờ đóng cửa), các anh các cô cầm trái cây thực phẩm rao bán rất huyên náo. 

Vòng quanh các khu chợ là những tiệm thuốc, quán cà phê, quán phở,  quán ăn, tiệm bán quần áo, trà sữa, bánh trên những khu phố chẳng khác gì trong nước. Xung quanh chợ cũng có tiệm cắt tóc, shop nails, phòng khám của các bác sĩ gia đình và nha sĩ.

FOOTSCRAY: Chợ Footscray nằm cạnh trạm xe lửa Footscray, cách trung tâm thành phố Melbourne khoảng 10 phút lái xe; hoặc mọi người có thể đón xe lửa từ bất cứ trạm xe nào trong trung tâm để đến ga Footscray.

Những quán ăn khá ngon: bánh mì Như Lan, Hào Phong, Sapa Hill, Bún bò Huế Cố Đô, phở Hùng Vương, phở Chú Thể, Cô Thư Quán, …

Địa chỉ: 18 Irving Street, Footscray VIC 3011

Train line: Sydenham, Werribee

SUNSHINE: khu chợ này gồm nhiều shops nối tiếp nhau kế bên trung tâm mua sắm Sunshine. Các bạn có thể mua hải sản tươi sống ở khu shops này. Ngoài ra những hàng quán như bánh mì Thanh Lan, phở Hiền, Cố Đô cũng khá ngon.

Địa chỉ: Hampshire Rd, Sunshine VIC 3020

Train line: Sydenham

ST ALBANS: Chợ Việt ở St Albans cách ga xe lửa khoảng 3 phút đi bộ, cách trung tâm thành phố Melbourne 30 phút lái xe (19 km). Ở đây phiên chợ ngày nào cũng đông đúc, đặc biệt có những hàng quán bán đồ ăn Việt rất ngon: Bún bò Huế Sông Hương (tuyệt cú mèo), Quang Vinh, bánh mì Thanh Lan, …

Địa chỉ: Alfrieda Street, St Albans VIC 3021

Train line: Sydenham

NORTH RICHMOND: Khu này khá vắng vẻ và ít shops bán trái cây và thực phẩm nhưng rất gần trung tâm thành phố Melbourne và có nhiều nhà hàng hơn shop.

Train line: Epping or Hurstbridge

SPRINGVALE: Nằm ở phía Đông Nam Melbourne, các bạn có thể bắt xe lửa đến ga Springvale và đi bộ vào chợ. Khu chợ Việt duy nhất bên hướng Đông Nam, nên rất nhộn nhịp và tấp nập mỗi ngày. Springvale có ít quán ăn Việt hơn những khu người Việt khác nhưng cũng có đầy đủ trái cây, thịt cá tươi như những khu khác.

Các bạn có thể vào ăn thử ở Cô Thư Quán, Cố Đô, phở Hùng Vương, Thy Thy, chả cá Minh Đức, ..

Địa chỉ: 46-58 Buckingham Ave, Springvale VIC 3171

Train line: Cranbourne or Pakenham