Hai đêm ven rừng Tasmania

Hồi nhỏ, mình được ông ngoại kể chuyện rằng, ông đã từng sống trong rừng, nhà của ông rất rộng, hàng ngày muông thú, chim chóc vào nhà chơi với ông. Ông thường đi trong rừng, gặp nhiều loại cây cỏ kỳ lạ, hoang thú, thậm chí cả thú dữ. Mình còn nhớ, ông bảo cứt của hồ rất thối vì chúng ăn thịt; còn da của voi rất dày, dày đến nỗi muỗi cũng không đốt được. Lớn lên, ông đã mất, mình vẫn tưởng những chuyện như thế là sự thật cho đến khi bà ngoại bảo ”ông mày phịa ra đấy, làm gì có chuyện ông ở trong rừng”. Mặc dù vậy, chuyện của ông vẫn bị ăn sâu vào tâm trí mình, mình vẫn ao ước giá mà một lần được ngủ trong thiên nhiên hoang dã thì thú vị biết bao.

Cách đây mấy năm, nhà mình và nhà một người bạn đi chơi Anna Bay, một vùng vịnh phía Bắc tiểu bang NSW. Hai nhà mang theo hai cái lều của ALDI và cắm trại qua đêm trên bãi biển. Lều có năm chục bạc mà tốt thật, đêm hôm đó mưa to gió lớn mà cả lũ trẻ con người lớn ngủ say như chết. Sáng hôm sau, nhìn ra mới thấy mép nước do thủy triều lên chỉ còn cách lều độ 2 mét. Mấy lần mình rủ cả nhà đi ngủ bụi thêm trận nữa nhưng hai cháu nhà mình không chịu nên thôi. Ngủ ngoài biển tạm coi đã xong, mình vẫn ấp ủ sẽ phải có lúc ngủ trong rừng nữa mới thỏa.

Trong chuyến Nam tiến về một hòn đảo nhỏ, đảo Tasmania, mình và mấy người bạn chán thành phố đã thuê một cái cottage (nhà tranh) cách thị xã Hobart chừng mười cây số. Không xa thành thị lắm, nhưng khung cảnh hoang vu lạ thường, điện thoại mất sóng làm mọi người có cảm giác bị đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Ngôi nhà quá rộng, dường như không có ranh giới giữa nhà với rừng và những những nhà “hàng xóm” xa xôi khác. Trong nhà thơm lừng mùi gỗ vì nhà được làm hoàn toàn làm bằng gỗ, dù là sàn, mái hay các vách tường. Khi màn đêm bắt đều buông xuống đã phải dùng lò sưởi vì cách nhiệt không được tốt, mặc dù đã sang Xuân. Giống như nhà sàn ở Việt Nam, tầng dưới cùng bỏ không để tránh thú dữ. Nhưng ở đây làm gì có những loại ấy, chỉ là những chú chuột túi wallabies to hơn con mèo một chút. Khi đưa bọn mình tới nơi, chủ nhà đã kể chuyện là kangaroo thường thăm viếng vào lúc chập choạng tối hoặc sáng sớm. Bọn mình cũng không phải chờ lâu, một đàn Wallabi chừng 5-6 con thản nhiên vào sân vườn nhà người ta. Chúng có vẻ ngơ ngác khi thấy những người lạ đang giương các loại máy ảnh về phía chúng.

Buổi tối hôm đó, sau khi ăn uống và mọi người đã đi nghỉ, mình tranh thủ đi dạo một mình, thực ra cũng chỉ là loanh quanh vì không có đèn điện và cây cối quá um tùm nên không đi xa được. Tuy vậy mình cũng phát hiện ra mấy loài hoa rừng mà người chủ nhà đã bầy biện trong phòng khách. Mình hy vọng sẽ bắt gặp con vật gì đó nhưng không hề, đến cả muỗi cũng không thấy ? Khung cảnh quá sức tĩnh mịch, có lẽ các chú chuột túi và các loài vật khác nếu có đã đi ngủ hết.

Sáng hôm sau, mình lại ra sau nhà ngồi thiền 15 phút. Mình đã cố tăng thời gian thiền nhưng không được, thôi đành an ủi, không cần chạy theo số lượng, nếu có chất lượng thì cũng tốt, nhất là trong một môi trường trong lành thế này. Người ta bảo đảo Tasmania làm một trong những nơi không khí tinh khiết nhất thế giới, thậm chí đã có dịch vụ đóng gói không khí để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thiền là một cách luyện tập buông bỏ, là một cách hấp thụ năng lượng từ thiên nhiên, rất có lợi cho sức khỏe tâm thần. Có lần mình khuyên một người bạn nên tập dưỡng sinh thì anh bảo anh không thể tĩnh tâm được, vì lúc nào cũng đứng ngồi không yên, lo lắng đủ thứ việc. Ở đây là vấn đề con gà có trước hay quả trứng có trước. Tập Thiền rồi mới có thể tĩnh, chứ không thể chờ tĩnh để bắt đầu tập. Mình luyện tập chưa lâu, trình còn thấp nhưng đã thấy chuyển biến nhiều trong người. Ít nhất là không cảm thấy hay nóng giận, hấp tấp như trước và do đó lạc quan yêu đời hơn. Buổi thiền ngoài thanh thiên giữa rừng Tasmania, không phải rừng thẳm mà chỉ là ven rừng, có lẽ là một trong những buổi tập thành công nhất, mang lại nhiều khoan khoái nhất. Sự thành công này lại một lần nữa được tái lập vào sáng hôm sau.

Tối thứ hai cũng là tối cuối cùng, tụi mình nướng BBQ trên “nhà sàn” nhưng chỉ có một chút thịt bò và heo mà khá nhiều chất xơ như nấm, khoai, bánh mỳ và các loại rau. Các loại đồ ăn của Tasmania tươi ngon, hữu cơ và vật giá không đắt đỏ như Sydney. Một ngôi nhà tranh, đúng ra là nhà gỗ như thế này có thể coi là rẻ so với mặt bằng giá cả hiện nay. Trong khung cảnh thần tiên, mình cố hít thở không khí thật nhiều, thật sâu. Tận hưởng là ý nghĩ cứ đeo đẳng trong thời gian ngắn ngủi ở hòn đảo nhỏ bởi mình chưa thể biết chưa đến khi nào mới có cơ hội để trở thành Robinson một lần nữa.

Phil Dang

Please follow and like us: